Chị Thanh, tiểu thương tại chợ Văn Thánh (quận Bình Thạnh) cho biết, lượng khách đi chợ không còn đông đúc như những năm trước, có người đi qua chỉ nhìn chứ không dừng chân lựa chọn. Để bán được hàng, chị treo biển thanh lý toàn bộ. Mỗi chiếc kẹp tóc chỉ 15.000 đồng với đủ mẫu mã chủng loại.
“Nhờ vậy, khách đến mua khá đông, có vị mua liền một lúc mấy cái vì được thoải mái lựa chọn, giá cả sản phẩm cũng phải chăng”, chị nói.
Nếu biết cách lựa chọn, người tiêu dùng sẽ có được món hàng thanh lý giá rẻ chất lượng, còn không để ý kỹ dễ mua nhầm những sản phẩm cũ, hư hỏng. Ảnh: Hồng Châu |
Hàng thanh lý, giảm giá là ưu tiên hàng đầu của Linh, sinh viên năm 3 trường Cao đẳng Hải quan TP HCM khi lang thang mua sắm cuối tuần. Tuy nhiên, theo Linh, muốn thực sự có được món hàng giá hời phải chịu khó chọn lựa, quan sát kỹ, chứ không nên quá tin vào lời giới thiệu của người bán.
Ví dụ, khi mua kẹp tóc, thắt lưng, túi xách… cần nhìn kỹ chỗ dán keo, móc khóa, chốt gài có bị hoen gỉ, màu sắc liệu còn mới mẻ hay đã xỉn màu. Linh kể, có lần mua kẹp tóc thanh lý ở chợ gần nhà, nhìn phớt qua có vẻ mới toanh và đẹp mắt nên thu hút rất nhiều người ghé xem. Tuy nhiên, mới sử dụng đúng 2 tuần, chiếc kẹp bị gãy chốt nên không dùng được nữa. Do đó, mỗi lần mua hàng thanh lý, Linh luôn kiểm tra kỹ sản phẩm, xem có hỏng hóc ở những vị trí trọng yếu.
Trào lưu niêm yết giá theo kiểu “bán nửa ký” để người tiêu dùng có cảm giác sản phẩm giá rẻ cũng bùng phát mạnh thời gian qua. Thay vì ghi một kg đậu bắp 12.000 đồng, người bán hiển thị 6.000 đồng 1/2 kg. Có nơi ghi số 2 rất nhỏ và nhìn từ xa, khách sẽ hiểu nhầm món hàng chỉ 6.000 đồng một kg. Rất nhiều người ấn tượng với mức giá “rẻ” này đã ghé lại chọn mua.
Chiêu ghi một nửa giá sản phẩm cũng được tiểu thương áp dụng rộng rãi. Ảnh: Hồng Châu |
“Nhiều anh chị khen tôi làm câu khách giỏi, nhưng tôi có biết gì đâu. Thấy ai cũng ghi bảng giá như vậy nên tôi làm theo và người cũng hiểu mức giá đó làm sao áp dụng cho cả kg”, bán dưa hấu kiểu 6.000 đồng 1/2 kg trên đường Kha Vạn Cân, quận Thủ Đức, anh Tuấn cho hay. Tuy nhiên, kiểu bán này nhiều lúc gây cảm giác khó chịu cho người tiêu dùng. Có khách sau khi biết bị “lừa” đã bỏ đi, chứ không chọn mua như dự định.
Chị Loan, ở quận Bình Thạnh từng vấp phải tình trạng này chia sẻ, nhìn thấy rổ súp lơ đề biển 15.000 đồng 1/2 kg nhưng chị lại nghĩ là 15.000 đồng một kg. Chị cân liền 2 bắp, đến khi tính tiền mới biết là 30.000 đồng một kg và so ra vẫn đắt hơn một số sạp hàng khác trong chợ. Kinh nghiệm đi chợ của chị là phải nhìn thật kỹ giá cả rồi mới chọn mua và luôn so sánh với các sạp khác để có được mức giá rẻ hơn.
Cũng bán hàng với giá ưu đãi để thu hút người tiêu dùng nhưng chị Hồng, quận Gò Vấp chọn kiểu bán số lượng lớn. Thay vì bán 5.000 đồng một trái bầu hay bí, chị bán chẵn 10.000 đồng 3 quả bất kỳ không phân biệt lớn nhỏ, nhờ thế mà số lượng tiêu thụ tăng mạnh. Hiện đa số tiểu thương tại các chợ đều áp dụng hình thức này và khá đắt hàng.
Ngoài ra, bán hàng đồng giá vốn thường xuất hiện ở các mặt hàng quần áo, giày dép thì nay lan sang cả trái cây các loại. Tại nhiều xe bán trái cây lưu động, vải thiều, táo, xoài, ổi đều bán với mức giá 10.000 đồng một kg và để người tiêu dùng tùy thích chọn lựa. Điều này mang lại cảm giác có nhiều chọn lựa cho khách.
“Chưa rõ trái cây này có ngon hay không nhưng tôi vẫn muốn ghé vào xem thử vì đây là những loại tôi thích mà còn phù hợp với túi tiền của tôi. Tuy nhiên, người tiêu dùng cũng cần để ý đến tình trạng “cân đo đong đếm” của người bán bởi lẽ họ rất dễ cân thiếu cho khách hàng hoặc chất lượng sản phẩm không được như ý”, chị Hạnh, ở quận 10 chia sẻ..