Trong khi đó, dù siêu bão Hải Yến vẫn đang cách xa đất liền nhưng ở các chợ ở Đà Nẵng ngày hôm nay giá cả hầu hết các mặt hàng lương thực, thực phẩm đã tăng một cách chóng mặt.
Lấy bao cát giằng lên mái nhà chống tốc mái
Xác định đây là cơn bão mạnh, diễn biến phức tạp nên ngay từ sáng sớm, người dân các xã Quảng An, Quảng Thành, Quảng Thọ (huyện Quảng Điền, Thừa Thiên – Huế) đã tập trung giằng chống nhà cửa để đối phó với siêu bão mới. Theo kinh nghiệm dân gian, người dân Huế thường lấy bao cát giằng lên mái nhà, và dùng dây buộc chặt vào gốc cây.
Người dân huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế chằng chống nhà cửa sẵn sàng đối phó với bão
Tại các vùng ven biển Thừa Thiên – Huế, Bộ đội Biên phòng tỉnh cùng với ngư dân đã tổ chức kêu gọi tàu thuyền vào tránh trú bão, nhiều ngư dân rần rần kéo thuyền vào bờ. Công tác kêu gọi tàu thuyền được triển khai hoàn thành trong sáng nay, với 18.000 tàu thuyền với hơn 6000 lao động đã vào bờ an toàn trước khi bão vào. Công tác chuẩn bị đã sẵn sàng.
Ngày 8/11, Ban Chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, siêu bão Haiyan có hướng đi phức tạp, lại trùng vào ngày nghỉ cuối tuần, vì vậy các địa phương, đơn vị cần tổ chức thực hiện trực ban 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra.
Ông Lê Trường Lưu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã yêu cầu Ban Chỉ huy PCBL và TKCN tỉnh thông báo cho chính quyền và nhân dân vùng hạ du về tình hình diễn biến mưa lũ, nhất là lưu lượng mưa ở đầu nguồn và công tác điều tiết xả lũ của thủy điện Bình Điền và Hương Điền để chủ động các phương án đối phó.
Bộ đội biên phòng cùng dân lai dắt tàu vào bờ
Tàu thuyền đã vào bờ an toàn
Công ty công viên cây xanh cắt tỉa nhiều nhành cây trước bão
2 ngày qua tại Thừa Thiên – Huế, lượng mưa ở vùng thượng nguồn là quá lớn, có nơi lượng mưa đo được lên đến 500mm nhiều nơi ngập nặng, nhiều thôn, xã bị cô lập, công tác giằng chống nhà cửa gặp nhiều khó khăn. Do dân phải đi lại bằng thuyền.
Trong khi hậu quả các cơn bão trước chưa khắc phục xong, vì vậy, tỉnh yêu cầu các lực lượng quân đội, công an, biên phòng triển khai ngay các phương án giúp dân chằng chống nhà cửa; nhất là các địa phương bị sạt lở ven biển, ven đầm phá. Lực lượng Hải đội 2 Biên phòng Thừa Thiên – Huế thường xuyên tổ chức tuần tra vùng ven cửa biển Thuận An kiên quyết không cho tàu thuyền ra khơi; giúp dân gia cố đoạn đê bao qua thôn Thái Dương Hạ Nam, xã Hải Dương (thị xã Hương Trà), vốn bị sóng biển xâm thực sâu và chủ động phương án di dân lúc cần thiết.
Mong siêu bão đừng đổ bộ
Trong ngày hôm nay, tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo triển khai ngay các công việc cần thiết để ứng phó vơi bão Haiyan, chỉ đạo khẩn cho các địa phương tổ chức cuộc họp phân công nhiệm vụ, đồng thời triển khai đi xuống các khu dân cư kêu gọi người dân địa phương chèn chống nhà cửa chống bão. Hàng trăm ngư dân khẩn trương neo buộc tàu thuyền. Tại các xã biển của tỉnh Quảng Ngãi, trong chiều nay, hàng ngàn người dân rần rần vội vã chèn chống nhà cửa.
Khẩn trương trước khi bão đến
Ông Trương Mạnh, quê ở xã Tịnh Kỳ, huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi), cho biết, khi nghe bão, nguyên cả buổi chiều nay gia đình ông chỉ lo tập trung dọn dẹp cây cối, chèn chống nhà cửa chống bão. “Bão này sắp vào bờ rồi nên lo sợ lắm. Mình phải lo chèn chống nhà cửa cho thật chắc chắn để bảo vệ tài sản của mình, tính mạng của mình. Chỉ mong siêu bão đừng đổ bộ vào đây. Nhiều xã cũng đã tổ chức sử dụng loa phát thanh thông báo rộng rãi cho người dân nắm bắt về siêu bão Haiyan. Trong trường hợp cấp bách, tỉnh Quảng Ngãi sẽ chủ động lên phương án sẵn sàng di dời, sơ tán dân đến nơi an toàn cách bờ biển tối thiểu 500 mét trước 13g ngày 10/11, dự tính có trên 54 ngàn hộ với 216 ngàn nhân khẩu được di dời.
Bão chưa vào, đã lo “bão” giá
Dù siêu bão Hải Yến vẫn đang cách xa đất liền nhưng hiện ở các chợ ở miền Trung ngày hôm nay giá cả hầu hết các mặt hàng lương thực, thực phẩm đã tăng một cách chóng mặt. Dự báo trong những ngày bão đổ bộ, các nhu yếu phẩm phục vụ hàng ngày sẽ thiếu nên hầu hết các bà nội trợ đều tranh thủ ra chợ mua trữ nhiều thực phẩm. Nắm bắt được tâm lý đó, hầu hết các tiểu thương đều tự ý nâng giá lên cao.
Lúc 11h 30 sáng nay, chúng tôi đã tranh thủ đảo qua một số chợ lớn trên địa bàn Đà Nẵng, thấy giá các mặt hàng thực phẩm nhanh chóng tăng vọt đến 2-3 lần ngày thường.
Tại chợ Nai Hiên Đông (quận Sơn Trà, Đà Nẵng), các loại rau, củ, quả đều tăng gấp đôi do lượng hàng về chợ rất ít, trong khi đây là khu vực tập trung nhiều công nhân, sinh viên lưu trú. Nhu cầu lớn đã đẩy mặt hàng thực phẩm đội giá như: rau muống, mồng tơi, rau cải 12.000 – 15.000 đồng/bó (ngày thường chỉ có giá từ 5.000-7.000 đồng/bó), đậu cô-ve 25.000- 30.000 đồng/kg, hành lá 27.000 đồng/kg, ớt 50.000 đồng/kg, bí đao có giá từ 15.000 đồng/kg-17.000, khổ qua 20.000 đồng/kg, cà chua 12.000 đồng/kg.
Hầu hết các mặt hàng lương thực, thực phẩm đã tăng giá
Tại chợ Cồn (Hải Châu, Đà Nẵng), nếu ngày thường 1 kg bún chỉ có giá 7.000đ thì ngày hôm nay đã được bán với giá từ 18.000- 20.000đ/kg, các loại rau có giá từ 15-20.000 đ/kg. Các loại hải sản hầu như không có nhiều và đắt đỏ như cá khế 150.000 đồng/kg (loại bằng bàn tay), cá phèn 60.000 đồng/kg, cá hồng 120.000 đồng/kg, cá lóc 90.000 đồng/kg. Theo khảo sát của chúng tôi, dù là ở vùng biển nhưng các loại Hải sản như tôm, cua, mực, ốc, ghẹ… đang được người bán hét giá lên cao hơn hẳn so với các mặt hàng khác.
Nhằm tránh tình trạng lợi dụng bão lũ, tư thương đầu cơ tăng giá hàng hóa, Sở Công thương Đà nẵng đã chỉ đạo các đội quản lý thị trường tăng cường kiểm tra hoạt động kinh doanh, nếu người dân phát hiện tăng giá bất hợp lý hãy báo qua số điện thoại 0913.414909 để xử lý.
Chiều 8/11, Sở GD-ĐT Đà Nẵng cho biết, đã chỉ đạo các đơn vị, trường học trên địa bàn thành phố cho học sinh nghỉ học từ ngày 9/11 để tránh bão số Haiyan. Ngoài ra, các đơn vị, trường học chủ động chằng chống trụ sở cơ quan, đơn vị để tránh thiệt hại trong bão.
Khánh Hòa: Lũ cuốn 2 người mất tích
Cuối giờ chiều 8/11, thông tin từ UBND thị xã Ninh Hòa (tỉnh Khánh Hòa) cho biết, lực lượng chức năng đang khẩn trương tìm kiếm cháu Ngô Tùng Nguyên (3 tuổi, trú thôn Đồng Xuân, xã Ninh Thượng, thị xã Ninh Hòa) mất tích do lũ cuốn trôi. Theo đó, tối 7/11, do không có ai trông coi, cháu Nguyên ra bờ ruộng gần nhà chơi đã không may bị nước lũ cuốn, mất tích.
Trong khi đó, đến cuối giờ chiều 8/11, lực lượng chức năng vẫn chưa tìm thấy anh Nguyễn Thành Thắng (17 tuổi, quê thị xã Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, tạm trú tại thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh), bị nước cuốn mất tích vào trưa 7/11 khi đang chèo ghe trên sông Cái, đoạn chảy qua huyện Diên Khánh (tỉnh Khánh Hòa).
Như vậy, đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã có 2 người bị lũ cuốn, mất tích.
Tin từ Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh, thống kê thiệt hại do mưa lũ gây ra trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đến thời điểm hiện tại ước tính khoảng 4,2 tỉ đồng.
Hình ảnh Quảng Ngãi chuẩn bị đối phó với bão:
Chiều nay, dân Quảng Ngãi vội vã chèn chống nhà cửa
Lãnh đạo địa phương xuống tận các khu dân cư lo giúp dân ứng phó bão
Hàng ngàn tàu cá từ biển trở về vũng neo đậu tàu thuyền Sa Kỳ neo trú tránh bão
Ngư dân neo chặt tàu vì sợ va đập gây chìm
Bộ đội biên phòng Quảng Ngãi tiếp tục theo dõi hoạt động tàu thuyền trên biển
Lực lượng cứu hộ cứu nạn của Quảng Ngãi cũng đã sẵn sàng nhận lệnh khi có yêu cầu
Tin tức vòi nước lâm trường phát được tổng hợp từ trang tin 24h