Những vụ án oan chấn động thế giới (Kỳ 3)


Luật gia nổi tiếng người Anh William Blackstone đã từng viết: “Thà bỏ sót 10 người phạm tội còn hơn để một người vô tội phải chịu án oan.” Khái niệm này đã được nhiều người trên thế giới chấp nhận, và nó trở thành nền tảng cho các sinh viên trường luật ngay từ những năm đầu tiên.

Mặc dù trong quy định của hệ thống tư pháp nước Mỹ, một người vẫn được coi là vô tội cho đến khi được chứng minh là có tội, thế nhưng vẫn có những trường hợp những người vô tội bị kết án một cách vội vàng, thậm chí có nhiều người đã bị tử hình đầy oan khuất.

Với sự phát triển của khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ giám định ADN, nhiều vụ án oan đã được làm sáng tỏ, nhiều nạn nhân đã được minh oan trong những vụ án từng làm chấn động dư luận thế giới. Chúng tôi tiếp tục giới thiệu với độc giả những vụ án mà những người bị kết án là nạn nhân của những nhận định và phán quyết sai lầm trong hệ thống tư pháp các nước trên thế giới.

7. Raymond Towler (Được minh oan và bồi thường nhờ xét nghiệm ADN)

Ngày 24/5/1981, một cậu bé 12 tuổi và một cô bé 11 tuổi bị một người lạ mặt dụ vào khu rừng ở khu bảo tồn Rocky River thuộc vùng Cleveland, bang Ohio, Mỹ để xem xác một con hươu. Sau đó cậu bé bị tấn công và bị trói vào gốc cây, còn cô bé bị người lại kia cưỡng hiếp.

Ba tuần sau đó, trong một cuộc tuần tra trên đường, cảnh sát phát hiện một người đàn ông có hình dạng khớp với các mô tả của nạn nhân trong vụ án này. Người đàn ông đó là Raymond Towler, một nhạc sĩ da đen ở Mỹ sống trong khu vực này.

Những vụ án oan chấn động thế giới (Kỳ 3) - 1

Nhạc sĩ Raymond Towler

Ngày 18/9/1981, Towler bị cảnh sát hạt Cuyahoga truy tố với tội danh hiếp dâm, bắt cóc và hành hung khi mới 24 tuổi. Cảnh sát không đưa ra được bất cứ bằng chứng nào ngoài mô tả và nhận diện của nạn nhân. Tuy vậy, tòa án vẫn phán quyết Towler phải chịu án chung thân vì các tội danh trên.

Đến năm 2004, một thẩm phán quyết định mở lại hồ sơ vụ án này và yêu cầu xét nghiệm ADN. Khi các công tố viên gửi một phong bì có chứa một chiếc lông của hung thủ được lấy trên người nạn nhân đến một phòng thí nghiệm tư nhân ở New Orleans, họ chỉ nhận được một chiếc phong bì rỗng. Một tháng sau, một chiếc phong bì khác được cho là có chứa da của hung thủ mắc lại dưới móng tay của nạn nhân được gửi đến phòng thí nghiệm, nhưng nó cũng trống không.

Towler vẫn không nản chí và yêu cầu tổ chức xét nghiệm ADN thêm một lần nữa. Ngày 5/9/2008, kết quả xét nghiệm mẫu ADN lấy từ tinh dịch dính trên quần lót nạn nhân cho thấy Towler không phải là hung thủ.

Ngày 5/5/2010, sau 29 năm trời đằng đẵng ngồi tù với tội danh hiếp dâm, bắt cóc và hành hung, Towler đã được tòa án hạt Cuyahoga tuyên bố vô tội và được trả tự do khỏi nhà tù Grafton.

Theo luật của bang Ohio, các cơ quan tư pháp của bang này đã phải bồi thường cho Towler 40.330 USD cho mỗi năm ông phải ngồi tù oan, và tổng mức bồi thường gần 1,2 triệu USD. Tuy nhiên, việc đầu tiên mà Raymond Towler làm sau khi được ra tù không phải là đòi tiền bồi thường mà là tổ chức một bữa tiệc pizza ăn mừng.

8. Rolando Cruz (Được giải tội trong khi chờ thi hành án tử hình)

Ngày 25/2/1983, cô bé Jeanine Nicarico 10 tuổi bị bắt cóc giữa ban ngày tại ngôi nhà ở Naperville, bang Illinois, Mỹ trong khi bố mẹ vắng nhà và các chị em đi học. Hai ngày sau đó, thi thể bị cưỡng hiếp dã man và bị đánh đập tới chết của cô bé được tìm thấy cách nhà 10 km.

Khi một thanh niên 20 tuổi tên là Rolando Cruz đến gặp cảnh sát và kể một câu chuyện bịa nhằm lấy khoản tiền thưởng 10.000 USD, anh ta bị cảnh sát nghi ngờ và bắt giữ ngay tối hôm đó.

Những vụ án oan chấn động thế giới (Kỳ 3) - 2

Rolando Cruz

Vài tuần sau, một thanh niên khác tên là Alejandro Hernandez xuất hiện và tuyên bố rằng anh ta biết danh tính của những kẻ đã sát hại Jeanine, đồng thời đưa ra 2 cái tên là Steven Buckley và “Ricky”. Cảnh sát đã bắt được Buckley, tuy nhiên tung tích của “Ricky” thì hoàn toàn không có dấu vết.

Giày của Buckley được các chuyên gia so sánh với dấu giày ở hiện trường và họ không phát hiện thấy sự trùng khớp. Tuy vậy, công tố viên Thomas Knight đã yêu cầu họ không tiết lộ điều này và đưa đôi giày đến một người tự xưng là chuyên gia, và người này tuyên bố rằng không những dấu giày trùng khớp mà người này còn có thể chỉ ra chiều cao và cân nặng của hung thủ.

Sau khi có kết luận của “chuyên gia” này, cảnh sát đã bắt giữ Cruz, Hernandez và Buckley để truy tố trước pháp luật. Sở dĩ cảnh sát vội vàng bắt giữ những người này vì lúc đó họ đang phải chịu sự chỉ trích nặng nề của dư luận về tiến độ điều tra chậm chạp.

Mặc dù không đưa ra được các bằng chứng thuyết phục, tòa án vẫn cho rằng bộ ba này đã hãm hiếp và sát hại Jeanine vào năm 1987.  Thẩm phán đã tuyên án tử hình đối với Cruz và Hernandez trong một phiên tòa xét xử chung, còn Buckley được hủy bỏ cáo trạng sau khi bồi thẩm đoàn bác bỏ cáo buộc đối với anh ta.

Trước đó, một tên tội phạm khác là Brian Dugan bị bắt và chịu 2 án chung thân về tội giết người đã thú nhận với cảnh sát rằng hắn ta đã sát hại cô bé Jeanine Nicarico, thế nhưng thông tin quý giá này đã bị các công tố viên bưng bít tại phiên tòa xét xử Cruz.

Trong khi Cruz đang chờ đến ngày bị tử hình bằng thuốc độc, rất may là một tòa án đã quyết định mở lại hồ sơ vụ án và xét xử lại vì những sai phạm trong quá trình tố tụng vào năm 1994. Đến năm 1995, Cruz được tuyên bố vô tội trong phiên tòa thứ ba khi một sĩ quan cảnh sát từng đưa ra bằng chứng quan trọng chống lại Cruz thú nhận rằng ông ta đã nói dối. Bằng chứng xét nghiệm ADN cũng đã khẳng định sự vô tội của Cruz và chỉ ra thủ phạm thực sự giết hại Jeanine chính là Brian Dugan, đúng như những lời hắn đã thú nhận nhiều năm trước đó.

Sau 10 năm ngồi tù, Cruz đã được tòa án tuyên bố vô tội và được tha bổng vào năm 1995.

9. Rubin Carter (Được tuyên bố vô tội vì những sai sót trong quá trình tố tụng)

Rạng sáng ngaf17/6/1966, 2 người đàn ông xông vào quán bar Lafayette ở Paterson, bang New Jersey, Mỹ và bắt đầu xả súng điên loạn. Người pha chế rượu James Oliver và một khách hàng trúng đạn chết ngay tại chỗ. Một nữ khách hàng khác cũng qua đời 1 tháng sau đó vì những vết thương quá nặng. Trước khi qua đời, cô đã khai với cảnh sát rằng những kẻ tấn công là 2 người da đen, tuy nhiên cô không đưa ra bất cứ cái tên nào cụ thể.

Tên trộm Alfred Bello đang “hành nghề” ở gần quán Lafayette đã trở thành nhân chứng của vụ thảm sát này. Bello khai rằng anh ta đã nhìn thấy 2 người đàn ông da đen cầm một khẩu súng săn và súng ngắn đi qua một góc phố về phía quán Lafayette.

Một nhân chứng khác sống gần đó cho biết hai người đàn ông da đen này sau khi xả súng đã lên một chiếc xe màu trắng và bỏ chạy về phía tây. Tình cờ là chiếc xe của Rubin Carter, một võ sĩ quyền anh chuyên nghiệp cũng có những đặc điểm giống như mô tả của các nhân chứng này, và cảnh sát đã ngay lập tức bắt giữ Rubin Carter và John Artis, mặc dù họ không có bất cứ chứng cứ nào khác.

Những vụ án oan chấn động thế giới (Kỳ 3) - 3

Võ sĩ quyền anh Rubin Carter

Sau khi bắt giữ Carter và Artis, cảnh sát cũng không có đủ phương tiện để đối chiếu dấu vân tay của hai người này với các dấu vết tại hiện trường. Các nhân chứng cũng không thể xác định được 2 người này trong một buổi nhận dạng, và tất cả những gì mà cảnh sát có là một viên đạn súng lục cỡ nòng .32 và một viên đạn súng săn trong xe của Carter.

Trong phiên tòa được tổ chức vào năm 1967, mặc dù một số nhân chứng xác định rằng cả Carter và Artis đều có mặt tại một quán bar khác trong đêm xảy ra án mạng, bồi thẩm đoàn vẫn xác định cả hai người có tội dựa trên lời khai của tên trộm Bello và một đồng bọn tên là Bradley. Thẩm phán đã phán quyết án chung thân không ân xá đối với 2 người này, mặc dù công tố viên đề nghị án tử hình.

Năm 1974, Bello và Bradey đã rút lại lời làm chứng của mình chống lại Carter và Artis, tuy nhiên quan tòa Samuel Larner đã từ chối tổ chức một phiên tòa mới với lý do việc rút lại lời khai này “thiếu tính chân thực”.

Sau nhiều lần kháng cáo của Carter và Artis, mãi đến năm 1985, tòa án mới đồng ý xem xét lại vụ án và phán quyết rằng hai người này đã không được xét xử công bằng vì những cáo buộc mang tính phân biệt chủng tộc và thiếu chứng cứ thuyết phục. Đến năm 1988, tòa án đã quyết định bác bỏ cáo trạng đối với 2 người này và tuyên bố họ vô tội trong một vụ án nổi tiếng vì những khiếm khuyết khó có thể tưởng tượng được trong hệ thống tư pháp của nước Mỹ.

10. Ronald Cotton (Ngồi tù 11 năm vì bị nạn nhân xác định nhầm)

Trong tháng 7/1984, ngôi nhà của cô gái 22 tuổi Jennifer Thompson ở hạt Alamance, bang Bắc Carolina, Mỹ bị đột nhập 2 lần, và cả hai lần này kẻ đột nhập đều kề dao vào cổ để cưỡng hiếp cô, sau đó lục tung đồ đạc của cô và lấy đi nhiều tiền cùng đồ vật có giá trị.

Vài ngày sau đó, Thompson tới đồn cảnh sát địa phương báo án và chỉ vào bức hình của người đàn ông tên là Ronald Cotton mà cô tin là thủ phạm. Trong buổi nhận dạng được tổ chức sau đó, cô gái này cũng chỉ vào Cotton và nói rằng đó là kẻ đã tấn công cô.

Những vụ án oan chấn động thế giới (Kỳ 3) - 4

Ronald Cotton (trái) và Jennifer Thompson

Trong phiên tòa xét xử Cotton được tổ chức vào năm 1985, cô gái này quả quyết: “Tôi chắc chắn rằng anh ta chính là kẻ đã cưỡng hiếp tôi, và tôi đứng đây để làm chứng chống lại anh ta.” Với lời khẳng định “chắc chắn” này của nạn nhân, thẩm phán đã tuyên án chung thân đối với Cotton.

Tuy nhiên, 2 năm sau, có một phạm nhân nói với các bạn tù rằng hắn ta chính là kẻ đã cưỡng hiếp Thompson, và phiên tòa xét xử Cotton được tổ chức lại. Tuy nhiên khi ra trước tòa, phạm nhân này đã bác bỏ lời thú nhận của mình. Và bản thân Thompson cũng khẳng định rằng cô ta chưa bao giờ thấy mặt hắn trước đây.

Sau sự việc này, Cotton có thể đã phải dành hết quãng đời còn lại trong tù nếu như anh không vô tình xem được phiên tòa xét xử O.J. Simpson từ chiếc tivi trong nhà tù và nghe về việc xét nghiệm ADN vào năm 1995, sau khi anh đã ngồi tù 11 năm. Cotton đã làm đơn đề nghị xin được kiểm tra ADN trong vụ án của mình.

Và khi kết quả xét nghiệm ADN được công bố, cô Thompson đã thực sự bị sốc, bởi Cotton hoàn toàn vô tội. Chính người tù mà cô từng thề rằng chưa từng thấy trước đây mới là hung thủ đích thực đã 2 lần cưỡng hiếp cô. Sau khi có kết luận này, cô Thompson đã suy sụp và có cảm giác như cô đã phản bội mọi người và chính bản thân mình.

Sau khi có kết quả ADN, Cotton được tuyên bố vô tội và được thả tự do sau suốt 11 năm đấu tranh không mệt mỏi cho công lý.

Tuy nhiên các chuyên gia pháp lý cho rằng những sai lầm của nhân chứng là nguyên nhân số 1 gây ra những phán quyết sai lầm trong quá trình xét xử, và thật đáng buồn là những sai lầm này lại rất phổ biến trong tố tụng. Vì những sai lầm này của Thompson mà Cotton đã phải uổng phí 11 năm trong nhà tù.

Tuy vậy Cotton cũng không hề tỏ ra tức giận với Thompson, và thậm chí sau này họ còn trở thành bạn của nhau để nói chuyện với mọi người về những sai lầm trong hệ thống tư pháp Mỹ. Cotton còn nói: “Mặc dù bạn không thể quên, nhưng bạn có thể tha thứ”, đồng thời tạ ơn Chúa vì xét nghiệm ADN, bởi nếu không có nó, chắc giờ này anh vẫn còn ngồi sau song sắt với nỗi oan khuất không thể nào gột rửa.

Lời kết: Tấm “lưới trời” lồng lộng của luật pháp đã buộc nhiều kẻ xấu xa phải đền tội trước công lý, nhưng nó cũng khiến không ít người trong lịch sử phải chôn vùi tuổi xuân trong chốn lao tù, thậm chí là bị tước đoạt cả cuộc sống một cách tức tưởi và oan khuất. Có những người may mắn được tòa án lật lại hồ sơ và trả lại công lý trước ngày bị đưa ra pháp trường, nhưng cũng có những người đã phải mòn mỏi hàng chục năm trời sau song sắt, thậm chí là bị tước đoạt mạng sống với nỗi oan khó bề gột rửa. Có rất nhiều lý do khiến họ bị đẩy vào chốn lao tù đầy oan nghiệt, thế nhưng với những người may mắn được minh oan, tự do đối với họ vẫn là giấc mơ thành sự thật còn quan trọng hơn cả sự trả thù.

Tin tức van nước lâm trường phát được tổng hợp từ trang tin 24h