“Kính thưa” hội nghị: Đôi khi nhầm chức danh

Trong các buổi lễ kỷ niệm do các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước tổ chức, diễn văn chỉ “kính thưa” họ tên và chức danh lãnh đạo có chức vụ cao nhất ở Trung ương và Ban, Bộ, ngành, địa phương, đơn vị. Đây là nội dung được nêu trong Nghị định về “tổ chức ngày kỷ niệm, nghi thức trao tặng, đón nhận khen thưởng…” mà Chính phủ vừa ban hành.

Trả lời chúng tôi, ông Phan Đình Tân (Phó Chánh Văn phòng Bộ, Người Phát ngôn Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) khẳng định, quy định về thủ tục “kính thưa” xuất phát từ thực tiễn. Trước đây, trong các buổi lễ kỷ niệm, mít tinh, thủ tục “kính thưa” gây ra rất nhiều phản cảm.

15 phút để “kính thưa”

Ông Tân nêu ví dụ: Nếu tại một buổi lễ do UBND TP. Hà Nội hay ở một Tỉnh/Thành nào đó, có Thủ tướng và các Phó Thủ tướng đều đến dự. Nếu không theo quy định, người đọc diễn văn sẽ “Kính thưa Thủ tướng, rồi kính thưa từng Phó Thủ tướng”. Họ tên, chức danh của từng Phó Thủ Tướng đều được đọc cụ thể chi tiết. Rồi tiếp tục “Kính thưa từng lãnh đạo thành phố Hà Nội/Tỉnh/Thành gồm Bí thư, từng Phó Bí thư, từng Phó Chủ tịch”, lãnh đạo các Ban, Bộ, Ngành, đại diện các Tỉnh/Thành… có mặt tại buổi lễ.

“Riêng kính thưa đã mất 10-15 phút. Hội nghị nào cũng vậy, người đọc diễn văn “kính thưa” hàng loạt, không biết đến lúc nào dừng” – Ông Tân nói.

Ông Tân cho hay, vì thủ tục “kính thưa” mà trước đây đã có nhiều câu chuyện cười ra nước mắt. Người đọc diễn văn đôi khi “kính thưa” nhầm họ tên người này sang chức vụ người khác.

Người phát ngôn kể: Tôi còn nhớ từng có một hội nghị huyện, ông chủ tịch huyện lên đọc diễn văn rằng: “Kính thưa đồng chí Chủ tịch tỉnh Nguyễn Văn A. Kính thưa đồng chí Phó Chủ tịch tỉnh Trần Văn B. Có mặt thì đọc không có thì thôi.”

“Kính thưa” hội nghị: Đôi khi nhầm chức danh - 1

Thủ tục “kính thưa” dài dòng tại các buổi hội nghị đã gây nhiều phản cảm. Ảnh minh họa

Hóa ra, khi soạn diễn văn, thư ký viết mở ngoặc đằng sau (có mặt thì đọc không có thì thôi), ý nói, nếu ông Phó chủ tịch tỉnh đó đến dự thì hãy đọc. Nhưng vì “kính thưa” nhiều quá, người đọc diễn văn bị nhầm.

“Kính thưa” nhiều là tự làm xấu mình

Người phát ngôn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho hay, chính các lãnh đạo ở Chính phủ, Nhà nước đã yêu cầu phải giảm nghi lễ này.

Theo Nghị định mới ban hành, trong buổi lễ, chỉ “kính thưa” người cao nhất ở Trung ương đến dự, và người cao nhất ở địa phương.

Ví dụ: Trong hội nghị của Hà Nội có Thủ tướng cùng đầy đủ các Phó Thủ tướng, Bí thư, chủ tịch, phó bí thư, phó chủ tịch Hà Nội, theo quy định, chỉ cần đọc “Kính thưa” Thủ tướng rồi “Kính thưa” Bí thư Thành ủy Hà Nội. Người đọc diễn văn không cần kính thưa các Phó Thủ tướng, và các vị lãnh đạo khác của Hà Nội nữa.

“Đây chính là cải cách hành chính đích thực” – Ông Tân đánh giá.

Theo ông Tân, nếu bây giờ vẫn duy trì cách “kính thưa” cũ, nghe sẽ rất phản cảm. Cơ quan, doanh nghiệp nhà nước, dù lớn nhỏ đều phải thực hiện quy định mới này. Một cơ quan nhà nước vẫn thực hiện theo tư duy cũ, người đứng đầu sẽ bị đánh giá năng lực và tính kỷ luật, cập nhật thông tin kém.

Doanh nghiệp tư nhân thì tùy. Nhưng họ cũng nên tiếp thu và thực hiện theo chuẩn mực văn minh. Mỗi một doanh nghiệp, cơ quan nên điều chỉnh về văn hóa ứng xử. Doanh nghiệp nào vẫn giữ cách “kính thưa” hàng loạt là tự làm xấu hình ảnh của mình. Tự họ sẽ biến mình thành người lạc hậu.

“Tôi khẳng định, những quy định này là xuất phát từ thực tiễn, phản ánh đúng tâm tư nguyện vọng của số đông và được cân nhắc rất kỹ lưỡng, phù hợp với tinh thần hội nhập, giảm thiểu rườm rà. Không phải từ trên trời rơi xuống.” – Ông Tân nhấn mạnh.

Ông Tân cũng cho biết, quy định về chuyện “kính thưa”, “kính gửi” đã có từ lâu. Nghị định mới chỉ là quy định lại. Nhưng một quy định không nhất thiết phải đi kèm một chế tài. Mục đích đưa ra quy định này là nâng cao nhận thức của người dân. Không phải quy định nào cũng đưa ra hình phạt cụ thể được.

“Chẳng hạn, quy định về hát quốc ca. Chẳng lẽ cơ quan chức năng lại theo dõi từng người, ai không hát thì phạt. Tự mỗi người phải nhận thức.” – Ông Tân nêu vấn đề.

Tuy nhiên, Người phát ngôn cho rằng, trong một xã hội, mỗi người cần có cách ứng xử phủ hợp. Cái gì phù hợp thì tồn tại. Nếu không phù hợp sẽ tự loại bỏ.

Chính phủ ban hành Nghị định số 145/2013/NĐ-CP quy định về tổ chức ngày kỷ niệm; nghi thức trao tặng, đón nhận hình thức khen thưởng, danh hiệu thi đua; nghi lễ đối ngoại và đón, tiếp khách nước ngoài. 

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16/12/2013.

Theo nghị đinh, trình tự tiến hành hội nghị, buổi lễ như sau:

1. Thông báo chương trình buổi lễ.

2. Lễ chào cờ, đại biểu dự lễ hát Quốc ca.

3. Tuyên bố lý do và giới thiệu đại biểu ngắn gọn, trang trọng.

4. Trình bày diễn văn hoặc báo cáo: Chỉ “kính thưa họ tên và chức danh” Lãnh đạo có chức vụ cao nhất ở Trung ương và ban, bộ, ngành, địa phương, đơn vị.

5. Công bố quyết định khen thưởng, trao tặng, hình thức khen thưởng, danh hiệu thi đua.

6. Phát biểu ý kiến của lãnh đạo cấp trên hoặc đại diện khách mời.

7. Phát biểu cảm ơn của người đứng đầu ban, bộ, ngành, địa phương, đơn vị.

8. Kết thúc buổi lễ.

Tin tức van nuoc lâm trường phát được tổng hợp từ trang tin 24h