Tại Kỳ họp HĐND thành phố Hà Nội diễn ra từ 2 – 6/12/2013 tới sẽ xem xét, đặt tên và điều chỉnh độ dài của 34 đường, phố. Trong đó sẽ có 16 đường, phố mang tên danh nhân, 11 đường phố mang tên địa danh, 1 đường phố mang tên di tích lịch sử văn hóa, và 6 đường phố điều chỉnh kéo dài.
Ngày 30/12, chúng tôi đã giới thiệu 6 con đường sắp mang tên danh nhân của Hà Nội trong bài Hà Nội sắp có phố mang tên Bạch Thái Bưởi. Mời độc giả tìm hiểu thêm 10 con đường mới được đặt tên danh nhân của Hà Nội.
Đường Tố Hữu
Con đường dài 3.400m rộng 42m cho đoạn từ ngã tư cuối đường Lê Văn Lương giao cắt với đường Khuất Duy Tiến qua địa bàn huyện Từ Liêm đến ngã tư giao với đường Vạn Phúc (Hà Đông).
Tên đường này do Ban tổ chức, Ban chấp hành Trung ương Đảng chuyển đơn đề nghị của gia đình và Hội đồng tư vấn đặt tên đường phố Hà Nội đề nghị.
Đường Lê Văn Lương kéo dài đổi tên thành đường Tố Hữu (Ảnh: Tất Định)
Tố Hữu (1920-2002) tên thật là Nguyễn Kim Thành quê ở làng Phù Lai, Quảng Điền (Thừa Thiên-Huế). Ông từng giữ các chức vụ quan trọng như Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng, Trưởng ban Khoa giáo Trung ương, Hiệu trưởng trường Nguyễn Ái Quốc…
Tố Hữu là một tác giả có vị trí đặc biệt quan trọng, một nhà thơ tiêu biểu của dòng thơ Cách mạng Việt Nam với các tác phẩm văn học nổi tiếng như: Việt Bắc, Gió lộng, Ra trận, Máu và hoa, Một tiếng đờn, Ta với ta…
Phố Phan Văn Đáng
Phố dài 700m rộng 21m, từ trụ sở Công an quận Long Biên giao cắt với phố Nguyễn Cao Luyện.
Phan Văn Đáng (1918-1997) quê tại huyện Tam Bình tỉnh Vĩnh Long. Ông được cử giữ nhiều chức vụ quan trọng trong tổ chức Cách mạng như xứ ủy viên; thường vụ xứ ủy Nam Bộ; Phó bí thư Trung ương cục Miền Nam;… Ông cũng từng giữ chức Phó Chủ tịch Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Phố Lưu Khánh Đàm
Phố có chiều dài 650m, rộng 30m cho đoạn giao với đường kết nối Nguyễn Cao Luyện đến điểm giao với đường 48m (quận Long Biên).
Lưu Khánh Đàm (989-1058) là người gốc An Lãng (Thọ Xuân, Thanh Hóa) sau chuyển về trú ngụ ở Lưu Xá (Hưng Hà, Thái Bình). Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Ông có công phò tá Lý Công Uẩn lên ngôi hoàng đế, được phong làm Quang lộc đại phu hầu cận bên cạnh. Ông cùng em trai Lưu Điều đã đem quân đánh giặc Chiêm, 3 lần đánh bại quân Tống.
Phố Thép Mới
Phố dài 770m, rộng 10.5m cho đoạn từ đường Vạn Hạnh đến điểm giao cắt với đường trong khu đô thị mới (quận Long Biên).
Thép Mới tên thật là Hà Văn Lộc (1925-1991) quê ở Nam Định. Ông học đại học ngành Luật, tham gia tích cực vào phong trào cứu quốc, viết cho tờ “Tự trị” của phong trào sinh viên yêu nước chống Nhật. Ông đã từng công tác và viết bài cho các báo Cờ giải phóng, Cứu quốc, Sự thật. Ông từng làm phó Tổng biên tập báo Nhân dân từ năm 1972 đến khi về hưu.
Phố Đoàn Khuê
Phố mang tên Đại tướng Đoàn Khuê dài 2.100m, rộng 40m cho đoạn từ cuối phố Trường Lâm đến bùng binh giao đường 80m (quận Long Biên).
Đại tướng Đoàn Khuê (1923-1999) bí danh Võ Tiến Trình, quê huyện Triệu Phong (Quảng Trị). Ông từng được cử làm Chủ Nhiệm Việt Minh, tham gia giành chính quyền ở Quảng Bình trong CMT8. Năm 1990, ông được phong hàm Đại tướng, được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng năm 1991.
Phố Từ Hoa Công Chúa
Phố có chiều dài 1.000m, rộng 8.5-11.5m cho đoạn từ đầu ngõ 11 đường Xuân Diệu đến ngõ 1 đướng Âu Cơ quân Tây Hồ.
Phố Từ Hoa Công Chúa ven hồ Tây từ ngõ 11 Xuân Diệu đến ngõ 1 Âu Cơ (Ảnh: Tất Định)
Chùa Kim Liên nằm trên phố Từ Hoa Công Chúa (Ảnh: Tất Định)
Từ Hoa là công chúa con gái vua Lý Thần Tông, người đã rời cung về làng Nghi Tàm sinh sống. Bà có công dạy dân trồng dâu nuôi tằm tạo nên một vùng đất nổi tiếng của kinh thành Thăng Long.
Phố Vũ Tông Phan
Phố dài 2.000m, rộng 11m cho đoạn từ ngõ 2 phố Khương Trung đến ngã tư giao với phố Định Công Thượng và cầu Lủ (quận Thanh Xuân).
Vũ Tông Phan (1800-1851) tục gọi là ông Nghè Tự Tháp. Nguyên quán ở làng Hoa Đường huyện Đường An (Hải Dương ngày nay), sau chuyển ra định cư ở thôn Tự Tháp huyện Thọ Xương. Ông vừa là nhà chính trị, nhà giáo và nhà văn hóa của thế kỷ 19. Sự nghiệp sáng tác của ông đã để lại nhiều tác phẩm có giá trị như Thăng Long hoài cổ, Kiếm hồ thập vịnh, Lỗ An di cảo thi tập…
Đường Nguyễn Huy Nhuận
Con đường này dài 1.600m rộng 23-40m cho đoạn từ đường Nguyễn Đức Thuận đến ngã tư giao với đường Ỷ Lan (huyện Gia Lâm).
Nguyễn Huy Nhuận (1677-1758) là người làng Sủi, Phú Thịnh. Ông là thượng thư đỗ tiến sĩ sớm nhất của làng, là tấm gương sáng về sự hiếu học, có đức, có tài và có nhiều công lao to lớn cho đất nước. Có thể kể như: từng làm phó sức thời vua Lê Dụ Tông và chúa Trịnh Khương, được vua nhà Thanh kính nể; ông cũng có công lớn trong việc đòi lại xưởng đồng Tụ Long và 40 dặm đất biên giới ở Vị Tây (Hà Giang).
Phố Nguyễn Xuân Nguyên
Phố dài 800m, rộng 15-17m cho đoạn từ phố Cao Xuân Huy đến phố Hoài Thanh (huyện Từ Liêm).
Giáo sư Nguyễn Xuân Nguyên (1907-1975) sinh ra tại huyện Quảng Xương (Thanh Hóa). Từ năm 1935-1945, ông đã công bố 48 công trình nghiên cứu khoa học trên các tạp chí trong và ngoài nước. Ông từng giữ các chức vụ như: Viện trường Viện Mắt, Ủy viên BTV Quốc hội, Chủ tịch Hội nhãn khoa Việt Nam. Tượng đài GS Nguyễn Xuân Nguyên được đúc bằng đồng, đặt trong khuôn viên viên Viện Mắt Trung ương.
Phố Đỗ Đình Thiện
Phố dài 800m, rộng 15-17m cho đoạn từ nhà CT5 đến khu CT1 phố Trần Văn Lai (huyện Từ Liêm)
Đỗ Đình Thiện (1904-1972), người làng Noi (nay thuộc Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm). Ông và gia đình đã đóng góp một số lượng tiền và vàng rất lớn ủng hộ Cách mạng. Căn nhà 54 Hàng Gai của gia đình ông từng là cơ sở hoạt động của những lãnh tụ Cách mạng như Nguyễn Lương Bằng, Trường Chinh và cũng là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp khách nước ngoài và nhân sĩ trí thức.
Tin tức van nước lâm trường phát được tổng hợp từ trang tin 24h