Tuổi thơ bất hạnh của danh thủ võ nghệ bậc nhất Sài thành

Thế nhưng, bằng ý chí nghị lực của người mang dòng máu nhà võ, ông đã học thành tài, rèn luyện trở thành tay đấm bậc nhất đất Sài Gòn những năm trước giải phóng. Người ta biết đến Vĩnh Trinh với danh “độc thủ đại hiệp”, bởi một khi thượng đài ít ai có thể hạ được ông.

Tuổi thơ bất hạnh

Sau bao năm ngang dọc trên các võ đài Đông Dương, ông lại lui về căn nhà nhỏ ở huyện Hóc Môn (TP. HCM) và sống thanh đạm, an nhàn của bậc tri lão. Năm nay đã bước vào tuổi 73 nhưng diện mạo ông vẫn tráng kiện, đôi mắt sáng, từng hành động cử chỉ lanh lẹ như chưa từng vương vấn tuổi già. Trái với những hình dung trước đó của chúng tôi về một người cục tính, ông ăn nói nhẹ nhàng, điềm đạm và hay mượn thơ diễn ý. Ông đưa cho chúng tôi những tập thơ đã xuất bản, hóa ra bên cạnh sự nghiệp võ lẫy lừng, ông còn là nhà thơ có tiếng. Những tiếng thơ của ông đậm chất nhân văn, đầy chiêm nghiệm mà cuộc đời ông đã trải qua. Võ sư Mã Vĩnh Trinh bảo, chính cuộc đời đã biến ông thành võ sư và cũng từ cuộc đời đã cho ông một tâm hồn mẫn cảm, sáng tạo ra những vần thơ đầy tình người.

Lão võ sư cho biết, tên thật là Võ Đình Quý, người gốc huyện Duy Xuyên, Quảng Nam. Nơi ông ở có con đập mang tên Vĩnh Trinh, tuổi thơ là những ngày chăn trâu, tắm mát cùng chúng bạn. Sau này tha hương rồi thành danh trên võ đài ông lấy danh là Mã Vĩnh Trinh để nhớ quê hương, trong đó “Mã” đứng đầu luôn nhắc nhỡ người học võ phải tuân theo tinh thần mã thượng. Với ông võ là đạo đức, là cuộc đời chứ không xa lạ, võ phải giúp cho cuộc đời tốt đẹp hơn, ông luôn thấm thía và chưa từng đi ngược lại nguyên tắc đó. Vì vậy, ngay thời còn đấm đá kiếm cơm trên các võ đài, Mã Vĩnh Trinh được biết đến là tay đấm nghĩa hiệp, đối thủ luôn tôn trọng.

Tuổi thơ bất hạnh của danh thủ võ nghệ bậc nhất Sài thành - 1

Võ sư Mã Vĩnh Trinh hiện tại. Ảnh T.G

Trong ký ức xưa, tuổi thơ của lão võ sư là những ngày khốn khó. Khi Vĩnh Trinh lên 5 tuổi, bom đạn chiến tranh vĩnh viễn cướp đi cha mẹ, Vĩnh Trinh theo gót ông bà chạy vào đất Tây Sơn (Bình Định). Cuộc sống cơ cực, đói khổ giữa thời loạn lạc, ông bà nội phải gửi Vĩnh Trinh vào trại nuôi dạy trẻ thời chiến, hy vọng cho đứa cháu có miếng cơm sống qua ngày. Gia đình Vĩnh Trinh vốn có truyền thống võ đạo, ông nội Vĩnh Trinh là Võ Quang Chi người có tiếng giỏi võ đã truyền đạt cho ông những thế võ gia truyền. Vĩnh Trinh học mọi lúc mọi nơi, bất kể lúc nào, ở đâu ông cũng tập luyện. Năm 10 tuổi, Vĩnh Trinh gặp được võ sư Diệp Trường Phát, người đã có nhiều năm tu học và phối hợp giữa hai nền võ học Việt Nam và Trung Hoa, tìm ra những thế quyền tinh túy nhất truyền dạy cho các võ sinh. Vĩnh Trinh say mê, nhập thân vào những đường quyền khiến ông quên hết sự đói khổ, thiếu thốn đời thường.

Năm 16 tuổi, ông nội mất, cũng là lúc Vĩnh Trinh lĩnh hội cơ bản những thế võ, đường quyền, cậu bắt đầu xuôi phương Nam đi tìm cuộc sống mới. Một mình giữa cuộc đời dâu bể, chàng trai trẻ tưởng mình như cánh chim trời không định được hướng bay, ngoảnh mặt nhìn tổ ấm đã khuất ngàn dặm xa. Đôi chân trần lê đi khắp đó đây, kiếm tìm những chén cơm chan đầy nước mắt và tủi hận với nghề đấm đá. Nhiều đêm ngồi bó gối ở mái hiên, góc phố Sài Gòn trú mưa, nước mắt lại chan như dòng đời nặng trĩu. Thời gian trôi đi, Vĩnh Trinh quyết định xuống tóc đi tu, nương nhờ cửa Phật, nơi cửa thiền Vĩnh Trinh may mắn được gặp một sư thầy nguyên là võ sư, thời gian này Vĩnh Trinh được rèn luyện thêm vốn võ của mình.

Không có duyên với cửa Phật, một thời gian sau Vĩnh Trinh hoàn tục rồi dùng võ để mưu sinh. Vĩnh Trinh nhanh chóng có tiếng trong giới võ thuật phương Nam và năm 27 tuổi được liên đoàn võ thuật Sài Gòn công nhận như là võ sư, cho phép thu nạp môn đệ. “Ngày đó tôi có đam mê võ thuật phải nói là ghê gớm. Tôi luôn nung nấu phải thành lập môn phái riêng để khẳng định nền võ quê hương, có lẽ đó chính là động lực để tôi sớm trở thành võ sư”, lão võ sư Mã Vĩnh Trinh tâm sự.

Thành tay đấm bất bại trên võ đài

Lần dở những trang báo cũ mà lão võ sư đã dày công sưu tập từ xa xưa, những kỷ niệm về các lần thượng đài lại hiện về như mới đâu đây. Võ sư Mã Vĩnh Trinh kể, hồi chế độ cũ ở Sài Gòn có thể loại đấu võ tự do được gia nhập từ Mỹ, người đấu chỉ cần ghi danh và thách đấu, nhận đấu với bất cứ ai cùng giới, không cần tuổi tác. Người thắng trận thường được nhận tiền hậu hĩnh, nhưng kẻ chiến bại thì vô cùng bi thảm, có khi mạng sống cũng mong manh nhơ sợi chỉ. Do đó bất cứ trận thượng đài nào võ sỹ cũng đều phải ký vào biên bản cam kết không truy vấn hậu quả, lão võ sư bảo, bản thân không tính được những lần ký biên bản như thế.

Võ sư Vĩnh Trinh còn nhớ, năm 1967 có đoàn võ đài lưu động Phương Nam do võ sư Mút- Tây- Da người Campuchia dẫn đầu sang Việt Nam lưu diễn. Mút- Tây- Da được giới võ thật Đông Dương biết đến với độc cước mang tên “nghịch lân cước”, nhiều võ sỹ thượng đài đã bị ông ta hạ gục một cách không thương tiếc. Có giai thoại kể rằng, một con bò trước khi đưa vào lò mổ người ta phải lấy búa tạ đập vào đầu để giết nó. Tuy nhiên, với Mút- Tây- Da chỉ cần tung một cước vào ức thì có thể “hóa kiếp” con bò ngay tại chỗ. Ông ta có một đệ tử tên là Mút- Tây- Đô được xem là niềm tự hào vì công năng “nghịch lân cước” vượt cả sư phụ. Trong trận thượng đài năm ấy, Mút- Tây- Đô đã hạ gục một đối thủ, không biết người này sống hay chết ngay trên sàn đấu. Mã Vĩnh Trinh căm tức ký giấy cam kết và lao lên sàn quyết định ứng đấu với quyết tâm hạ bằng được đối thủ.

Lạc giữa những tiếng tung hô, reo hò ngạo nghễ của khán giả đang ủng hộ đối thủ, Mã Vĩnh Trinh vẫn không hề nao núng và chuẩn bị ra đòn. Cả hai lao vào nhau ra những chiêu ăn miếng, trả miếng chí mạng, có những phút Vĩnh Trinh bị đánh tơi tả tưởng chừng sẽ bại trận. Tuy nhiên, với bản lĩnh can trường và những năm tháng đánh võ kiếm cơm đã đem đến cho Vĩnh Trinh khả năng chịu đòn phi thường. Lựa được thế yếu của đối phương, Vĩnh Trinh tung cú “chấn động càn khôn”, khiến Mút- Tây- Đô lăn xoài xuống sàn đấu, trọng tài đếm đến 10 vẫn không thể dậy, Vĩnh Trinh thắng trận đó.

Lần đầu tiên “khóa” được ngón quyền “nghịch lân cước” của mội phái võ bất bại, tên tuổi của Vĩnh Trinh càng được nhiều người biết đến, thời điểm đó ông gần như không có đối thủ. Cũng trong năm đó, tại huyện Hòa Vang – Quảng Nam có cuộc tỉ thí võ đài suốt ba đêm liền. Ở trận tỉ đấu này, thủ đài chính là võ sĩ Đinh Khơ Lông, người dân tộc Kor ở Kon Tum. Đinh Khơ Lông được học võ ở Thái Lan và Capuchia với nhiều chiêu rất cổ quái khó lòng đoán biết. Người ta đồn rằng, ngoài khả năng đi quyền, Đinh Khơ Lông còn sử dụng “chiêu”, đó là bùa khi bị đối thủ “át vía”. Một khi giao đấu với anh ta thì chỉ có những danh thủ tiếng tăm làng võ nhưng đều đại bại.

Tay đấm Đinh Khơ Lông ra lời thách đấu hết một ngày mà không có võ sĩ nào đến ghi danh. Lúc này, Hội quyền thuật tỉnh Quảng Nam phải họp khẩn cấp, tìm phương án đối phó. Cuối cùng, hội nhận định, để quyết đấu với Đinh Khơ Lông không ai khác ngoài tay đấm Mã Vĩnh Trinh, tin đến tai võ sư nhận lời ngay không do dự. Lão võ sư còn nhớ, ông có nói với ban tổ chức thế này: “Theo tôi, võ thuật là hiện thực, chỉ có nghệ thuật cao, tinh thần quyết chiến mới vững. Tà thuật bùa chú hư vô đối với tôi không ảnh hưởng gì cả. Tôi sẵn sàng giao đấu với Đinh Khơ Lông, còn việc thắng bại là lẽ thường”. Hai võ sĩ thượng đài giao đấu suốt sáu hiệp. Đến gần kết thúc trận, Đinh Khơ Lông lâm râm tay họa bùa điểm vào địch thủ. Bỗng nhiên, y bị ngã bật ngửa ra phía sau bởi trúng phải đòn cùi trỏ trái của Vĩnh Trinh. Trọng tài hô đến tiếng thứ 10, Đinh Khơ Lông chỉ ngọ nguậy ngóc đầu dậy rồi ngã sụp xuống. Đó là trận đánh đưa ông lên tầm cao mới trong sự nghiệp võ thuật của mình với danh “độc thủ đại hiệp”.

Tin tức van nước lâm trường phát được tổng hợp từ trang tin 24h